hotlineĐường dây nóng: 0978870287

Emailchonggia389@gmail.com

Trang chủ »

Tin trong nước

Thủ tướng chứng kiến dấu mốc đột phá với chuỗi dự án khí – điện 12 tỷ USD

31/10/2023

Sáng 30/10 tại Hà Nội, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cùng các đối tác đã ký kết các hợp đồng liên quan và triển khai chuỗi dự án khí – điện Lô B, đánh dấu bước tiến quan trọng của chuỗi dự án trọng điểm đã kéo dài gần 20 năm này.

 

Thủ tướng chứng kiến dấu mốc đột phá với chuỗi dự án khí – điện 12 tỷ USD - Ảnh 1.

 

 

Thủ tướng đánh giá cao sự cố gắng, quyết tâm của các bên liên quan trong công tác đàm phán, phát triển dự án, tìm kiếm các giải pháp phù hợp... - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Cùng dự sự kiện có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, Đại sứ Nhật Bản, Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam, lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn đối tác của Petrovietnam tại chuỗi dự án gồm MOECO (Nhật Bản) và PTTEP (Thái Lan).

Theo Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, chuỗi dự án khí điện Lô B là chuỗi dự án khí điện nội địa bao gồm: Dự án phát triển mỏ Lô B (thượng nguồn), Dự án đường ống Lô B – Ô Môn (trung nguồn) và 4 nhà máy điện khí Ô Môn I, II, III, IV ở hạ nguồn, với quy mô đầu tư gần 12 tỷ USD.

Sản lượng khai thác khí dự kiến khoảng 5,06 tỷ m3 khí/năm, cung cấp cho tổ hợp 4 nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn với tổng công suất lắp đặt dự kiến lên đến 3.800 MW.

Các ý kiến phát biểu tại sự kiện cho rằng, chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn với đặc thù cần có tiến độ đồng bộ đã trải qua thời gian rất dài (gần 20 năm), nhiều lần đàm phán khó khăn, giằng co giữa các đối tác trong và ngoài nước, quá trình chuẩn bị đầu tư với rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục; chậm triển khai vì những lý do cả khách quan và chủ quan, nhưng chủ quan là chính.

Trước thực tế nói trên, trong nhiệm kỳ hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã kế thừa kết quả qua nhiều nhiệm kỳ Chính phủ, khảo sát thực tế, lắng nghe ý kiến của tất cả các đối tác, trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Thái Lan, nhiều lần báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để giải quyết toàn bộ các khó khăn vướng mắc của chuỗi dự án thuộc thẩm quyền, cùng với sự vào cuộc của Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, cơ quan, địa phương, sự quyết tâm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đối tác, với tinh thần "Một đội ngũ – Một mục tiêu".

Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cho biết, tháng 6/2023, nhận thấy những khó khăn tại dự án điện khí Ô Môn III và IV, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định để Petrovietnam chính thức là chủ đầu tư tiếp tục triển khai hai dự án này. Đây là quyết sách rất chiến lược.

Tại buổi lễ, Petrovietnam và các đối tác đã tiến hành ký kết các văn bản quan trọng: Thỏa thuận khung Lô B; Biên bản thống nhất nội dung Hợp đồng Bán khí Ô Môn I; Trao thầu Hợp đồng EPC#1. Đây là sự kiện tạo tiền đề để Petrovietnam và các đối tác tiếp tục triển khai các dự án thành phần trong thời gian tới.

Theo Petrovietnam, mang sứ mệnh góp phần bảo đảm "năng lượng cho phát triển", cùng những kinh nghiệm dày dặn tích lũy được khi triển khai thành công các chuỗi dự án khí - điện trọng điểm: Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng Nai, Cà Mau, Thái Bình… Petrovietnam tự tin với sự ủng hộ, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành; sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ của các đối tác; sự đoàn kết, quyết tâm "Một đội ngũ – Một mục tiêu", tinh thần không ngại gian khó của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, toàn chuỗi dự án khí điện Lô B sẽ đi vào triển khai đồng bộ và hoàn thành trong thời gian sớm nhất, đáp ứng nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế xã hội đất nước, cũng như mang lại lợi ích cho các bên tham gia.

 

 

Dòng khí LNG từ kho LNG PV Gas Thị Vải sẽ được vận chuyển bằng đường ống và bằng LNG ISO Container - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Khai thác hiệu quả, chống lãng phí chuỗi dự án

Phát biểu tại lễ ký kết, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đây là một sự kiện quan trọng, ý nghĩa của ngành dầu khí, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương và người dân nơi có dự án đi qua.

Chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn là công trình trọng điểm Nhà nước về dầu khí, là chuỗi dự án khí điện có quy mô lớn nhất của Việt Nam hiện nay với sản lượng khai thác khí dự kiến 5,06 tỷ m3/năm trong giai đoạn ổn định, cung cấp cho 4 nhà máy nhiệt điện Ô Môn tại Cần Thơ với tổng công suất lắp đặt gần 4.000 MW, có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược cân đối cung cầu, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển kinh tế - xã hội.

Chuỗi dự án khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, đem lại lợi nhuận, hiệu quả đầu tư cho các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL, nhất là tại Cà Mau, Kiên Giang và Cần Thơ, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho lực lượng lao động trong ngành dầu khí và lao động khu vực ĐBSCL.

Việc sớm triển khai chuỗi dự án để có các công trình như những "ngọn hải đăng" trên biển sẽ đóng vai trò quan trọng trong công tác an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Chuỗi dự án khi triển khai cũng sẽ đóng vai trò quan trọng, tạo ra nguồn lực lớn trong lộ trình thực hiện đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Petrovietnam và các đối tác tiến hành ký kết các văn bản quan trọng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Thủ tướng, những điểm mấu chốt để giải quyết khó khăn, vướng mắc là: Giao chuỗi dự án cho một chủ đầu tư (Petrovietnam); Bộ Công Thương sửa đổi các quy định tại 3 thông tư 25, 45 và 57 có liên quan; phía Việt Nam làm việc nghiêm túc với các đối tác trên tinh thần hữu nghị, cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Từ đó, đạt được kết quả như ngày hôm nay là lễ ký kết, triển khai để khai thác hiệu quả, chống lãng phí tại chuỗi dự án này.

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đối tác đầu tư, sự hỗ trợ, giải quyết kịp thời của Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc thúc đẩy, tổ chức thực hiện chuỗi dự án.

Thủ tướng đánh giá cao sự cố gắng, quyết tâm của các bên liên quan trong công tác đàm phán, phát triển dự án, tìm kiếm các giải pháp phù hợp trên những chặng đường tiến hành hiện thực hóa các mục tiêu phát triển ngành dầu khí Việt Nam và Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

 

Thủ tướng chứng kiến dấu mốc đột phá với chuỗi dự án khí – điện 12 tỷ USD - Ảnh 4.

 

 

Thủ tướng xem và nghe báo cáo về sơ đồ khai thác dự án khí điện Lô B - Ô Môn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về kinh tế, trong đó có sự đóng góp to lớn của ngành dầu khí. Thủ tướng đánh giá Petrovietnam đã và đang thực hiện tốt các kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023.

Chỉ riêng đối với việc sản xuất và cung cấp khí, Tập đoàn Dầu khí đã cung cấp khí và sản phẩm khí làm nguồn nghiên liệu sạch để sản xuất 11% sản lượng điện, khoảng 70% sản lượng phân đạm, đáp ứng gần 70% thị phần LPG cả nước và cho nhiều hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải và dân dụng khác. Đối với sản xuất điện trong 9 tháng đầu năm 2023, đã đạt 17,63 tỷ kWh, bằng 73,5% kế hoạch năm, đáp ứng theo điều động của EVN.

Tập đoàn Dầu khí với tinh thần "Một đội ngũ – Một mục tiêu" đã và đang góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành nghề, nhiều địa phương. Tập đoàn cũng tích cực đóng góp cho ngân sách Nhà nước, đóng góp vào công tác an sinh xã hội, mang lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng xã hội, cho nhân dân.

Thủ tướng nêu rõ, cụ thể hóa chủ trương của Đảng, trong chiến lược, quy hoạch phát triển tổng thể năng lượng quốc gia, Chính phủ Việt Nam rất chú trọng tới việc phát triển bền vững ngành dầu khí Việt Nam, nhất là phát triển công nghiệp khí. Trong đó, khuyến khích việc đầu tư khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, nhất là vùng nước sâu, xa bờ; ưu tiên đưa khí tự nhiên khai thác từ thềm lục địa Việt Nam về cho sản xuất điện và công nghiệp, dân dụng.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ tạo điều kiện thuận lợi, ủng hộ, khuyến khích các hoạt động của Tập đoàn Dầu khí và các các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tập đoàn, công ty trong lĩnh vực dịch vụ trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên.

Đảng và Nhà nước mong muốn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các nhà đầu tư trong chuỗi cùng các địa phương hợp tác, hỗ trợ nhau, đẩy mạnh liên kết vùng để thúc đẩy khu vực kinh tế Tây Nam Bộ phát triển.

Chuỗi dự án để thành công còn chặng đường dài và khó khăn trước mắt, với khối lượng công việc còn rất lớn, Thủ tướng mong muốn các bộ, ngành, cơ quan có thẩm quyền liên quan luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, tồn tại để hỗ trợ chuỗi dự án và Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực cùng các nhà đầu tư trong chuỗi.

Đối với các bên đối tác Nhật Bản, Thái Lan, các nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí Việt Nam và quốc tế, Chính phủ Việt Nam mong các bên cùng hỗ trợ, phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam để triển khai các công việc đầy khó khăn và thách thức trong giai đoạn tiếp theo.  

Thủ tướng hy vọng và tin tưởng rằng với truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo, quyết tâm, không ngại gian khó của Tập đoàn Dầu khí, cùng sự tin tưởng và hợp tác lâu dài với các bên đối tác, chuỗi dự án sẽ được triển khai theo kế hoạch và kỳ vọng vượt kế hoạch, đạt được những thành công như kỳ vọng để thúc đẩy sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam, cùng chung sức tiếp tục đóng góp tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển toàn diện, nhanh, bền vững của khu vực ĐBSCL, góp phần củng cố, tăng cường quan hệ của Việt Nam với Nhật Bản và Thái Lan.

 

Thủ tướng chứng kiến dấu mốc đột phá với chuỗi dự án khí – điện 12 tỷ USD - Ảnh 5.

 

 

Chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn là công trình trọng điểm Nhà nước về dầu khí, là chuỗi dự án khí điện có quy mô lớn nhất của Việt Nam hiện nay - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Trụ cột phát triển chính của Petrovietnam

Trước đó, chiều 29/10, Kho cảng Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Thị Vải tại Bà Rịa – Vũng Tàu với công suất 1 triệu tấn/năm - kho LNG đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam do Tổng Công ty khí Việt Nam (PV Gas), đơn vị thành viên thuộc Petrovietnam, đầu tư xây dựng, cũng đã được khánh thành. Thủ tướng đánh giá đây là dấu mốc quan trọng và chỉ đạo nghiên cứu tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án.

Theo Petrovietnam, công nghiệp khí hiện là một trong những trụ cột phát triển chính của Tập đoàn, trong đó PV GAS là doanh nghiệp chủ lực, dẫn dắt ngành công nghiệp khí của cả nước, hằng năm cung cấp khoảng trên dưới 5,7 triệu tấn khí làm nguồn nguyên, nhiên liệu đầu vào để sản xuất điện, đạm và công nghiệp.

Bên cạnh đó, các cụm công nghiệp khí – điện – đạm mà Petrovietnam phát triển ở khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ đã góp phần tham gia giải quyết nguồn cung điện cho hệ thống điện quốc gia, tự chủ nguồn cung phân đạm cho phát triển nông nghiệp của đất nước.

Trước hiện trạng nguồn cung năng lượng phụ thuộc vào trữ lượng, khả năng khai thác trong nước cũng như đáp ứng xu hướng chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải tại Việt Nam, từ nhiều năm trước Petrovietnam đã chủ động nghiên cứu phát triển, đa dạng hóa các nguồn năng lượng mới xanh, sạch, trong đó có nguồn năng lượng LNG nhập khẩu, hiện thực hóa mục tiêu LNG trong chiến lược năng lượng của quốc gia cũng như xây dựng cơ chế chính sách liên quan.

Việc khánh thành kho cảng LNG này sẽ đáp ứng mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng, chuyển dịch và xanh hóa nguồn năng lượng quốc gia, chính thức ghi tên Việt Nam vào bản đồ LNG toàn cầu.

Dự án này cũng là một dấu ấn đột phá cho việc Petrovietnam đã thành công đa dạng hóa sản phẩm, năng lượng mới, mở rộng thị trường trong xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển.

Theo PV Gas, LNG là sản phẩm đặc thù và để vận hành, cung ứng một cách an toàn và hiệu quả, PV Gas cần sự hợp tác của các đối tác nước ngoài có bề dày kinh nghiệm, đặc biệt các đối tác đến từ Nhật Bản – quốc gia đã sử dụng liên tục LNG từ cách đây 50 năm.

Dòng khí LNG từ kho LNG PV Gas Thị Vải sẽ được vận chuyển bằng đường ống và bằng phương tiện LNG ISO container, đáp ứng được yêu cầu vận chuyển đa phương thức như kết hợp đường biển với đường, đường bộ, đi khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Được biết, LNG ISO container được cung cấp bởi tập đoàn NRS Nhật bản, có bề dày kinh nghiệm vận hành trong lĩnh vực vận chuyển LNG và được thành lập từ năm 1946.

*Theo Báo Chính Phủ

Bạn hãy đăng nhập vào Facebook để thực hiện bình luận và chia sẻ bản tin này với bạn bè.

arrow