hotlineĐường dây nóng: 0978870287

Emailchonggia389@gmail.com

Trang chủ »

Tin tức - Sự kiện

“DÒNG CHẢY THỜI GIAN”: KHÁT VỌNG PHỤNG SỰ

17/09/2024

“Sách Táng kinh có nói rõ, sinh khí khi gặp gió (phong) thì phát tán mà gặp nước (thuỷ) thì hội tụ. Vì vậy, người xưa đã phát mình ra một số phương pháp để hội tụ và hạn chế phát tán sinh khí, và họ gọi đó là Phong Thuỷ…” (Trích tham luận của Tiến sĩ Đinh Thế Anh – Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Phong Thuỷ không phải là một phạm trù huyền bí hay khó nắm bắt, mà đã được ứng dụng từ ngàn xưa vào nhiều lĩnh vực trong đời sống. Từ các nghi lễ tôn giáo, thờ cúng, hôn lễ, an táng… cho đến thiết kế kiến trúc nhà ở, công trình công cộng… đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của Phong Thuỷ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều khía cạnh của Phong Thuỷ chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, chưa trở thành những tài liệu khoa học chuẩn mực và mang tính ứng dụng cao.

 

Thạc sĩ – Phong Thuỷ Sư Nguyễn Trọng Mạnh

         Nhận thức sâu sắc những giá trị thực tiễn của Phong Thuỷ, Thạc sĩ – Phong Thuỷ Sư Nguyễn Trọng Mạnh, với triết lý “Thuận theo quy luật tự nhiên sẽ giúp chúng ta tận hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn”, luôn trăn trở với sứ mệnh nghiên cứu và ứng dụng Phong Thuỷ để nâng cao đời sống không chỉ cho hàng triệu người dân Việt Nam mà còn góp phần vào sự phát triển của nhân loại. Sáng kiến thành lập dự án phi lợi nhuận “Dòng chảy thời gian” chính là minh chứng cho khát vọng phụng sự này.

         Sự kiện mở đầu của dự án là Hội thảo “Diễn trình lịch sử Văn hoá - Kiến trúc - Phong Thuỷ - Mỹ thuật các triều đại phong kiến Việt Nam (Giai đoạn thế kỷ X - XIV)” do Công ty Cổ phần Viện Phong Thuỷ Khoa học Toàn cầu, trực thuộc Tập đoàn X-Herozone, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức tại Hải Phòng vào ngày 16/09/2024.

 

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo

     Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà báo và các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, hội nghề nghiệp trên cả nước. Các diễn giả nổi tiếng đã có những tham luận quan trọng, bao gồm PGS.TS Nguyễn Hồng Dương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, với bài “Chùa tháp Phật giáo Ninh Bình thời Trần tiếp cận từ phong thuỷ”; TS Đinh Thế Anh, Trường Đại học Liên ngành và Nghệ thuật, với bài “Nhận diện quy hoạch thành Thăng Long thời Lý qua hình thế luận”; TS Tạ Hoàng Vân, Phó Giám đốc Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia, với tham luận “Hành cung Vũ Lâm thời Trần - Đặc trưng kiến trúc, cảnh quan trong tổng thể khu danh thắng Tràng An, Ninh Bình”.

 

Đại biểu tham dự Hội thảo

        Ngoài ra, hội thảo còn có nhiều tham luận khác như “Tập tục thờ cúng, an táng của người Việt từ tiền - sơ sử thế kỷ XIV” của NCS Ths Trương Thúy Trinh; “Dấu ấn văn hoá Ấn Độ trong nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc tại một số di tích tôn giáo ở Việt Nam thế kỷ X-XIV” của TS Nguyễn Ngọc Quỳnh, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Ấn Độ, Phó Trưởng Ban Tôn giáo, Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; “Lăng tẩm thời Trần - tiếp cận từ khảo cổ học kiến trúc” của TS Nguyễn Văn Anh, Bộ môn Khảo cổ học - Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV.

 

NCS Ths Trương Thúy Trinh trình bày tham luận tại Hội thảo

        Phần thảo luận tại hội thảo cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt, với các ý kiến từ đại biểu là đại diện cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu, và các chuyên gia về thực tiễn ứng dụng Phong Thuỷ vào cuộc sống hiện đại, đặc biệt trong quy hoạch thiết kế các công trình xây dựng trong đô thị nén (compact city); Ứng dụng Phong Thuỷ như thế nào trong quy hoạch các khu đô thị lớn, các công trình công cộng… đã đặt ra những thách thức lớn trong việc dung hòa giữa yếu tố Phong Thuỷ và thực tế.


Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại Hội thảo

        Phó Giáo sư, Tiến Sĩ, KTS Khuất Tân Hưng, Trường Đại học Kiến trúc chia sẻ, qua thực tế khảo sát và nghiên cứu chúng ta thấy vấn đề Phong Thuỷ có vẻ như gặp phải thách thức từ những rào cản truyền thống, điều kiện sống… Điển hình như việc chúng ta biết rằng ở nông thôn Việt Nam nhà ở thường bố trí gian chính giữa là nơi thờ cúng, hai bên sẽ là không gian sinh hoạt của các thành viên trong gia đình. Theo truyền thống, khi ngủ gia chủ sẽ để đầu hướng về phía bàn thờ tuy nhiên theo Phong Thủy, gia chủ sẽ phải quay đầu về hướng khác và điều này gây ra sự mâu thuẫn giữa truyền thống và các nguyên tắc Phong Thủy.

 

Các đại biểu ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bão số 3

Thay mặt Đoàn Chủ tịch, Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Biên tập Tạp chí Xưa và Nay, đã đánh giá cao sự kiện này và cho rằng, Hội thảo đã đặt nền móng cho những nghiên cứu chuyên sâu về Phong Thủy và tạo động lực cho sự phát triển của dự án 'Dòng chảy thời gian'. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc góp phần xây dựng ngành khoa học Phong Thủy tại Việt Nam./.

Kết thúc hội thảo, các đại biểu đã nhiệt tình tham gia buổi quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng cơn bão số 3 vừa qua, do Ban tổ chức phát động. Kết quả đã quyên góp được số tiền 562.395.000 đồng. Theo Ban tổ chức hội thảo, só tiền này sẽ được gửi trực tiếp đến bộ phận tiếp nhận của Ủy ban Trung ương MTTQVN, qua đó tới tay đồng bào bị ảnh hưởng bão lụt.

Theo Tiến Mạnh - BVCS

Bạn hãy đăng nhập vào Facebook để thực hiện bình luận và chia sẻ bản tin này với bạn bè.

arrow